ĐỆ TỬ VIỆN VÙNG TRỜI KỶ NIỆM


Tặng tất cả những người anh em thân thương đã một thời với nhau dưới cùng mái nhà

 

Trần Mỹ Duyệt

 

Vào một buổi sáng đẹp trời thuộc tháng Năm năm 1962, chiếc xe thổ mộ lóc cóc từ chợ Thủ Đức đến Châu Bình đã chở mình đến trước cổng Dòng Đồng Công để nhập đệ tử viện, lúc đó còn gọi là Đội Magnificat. Các anh lớn - linh mục và tu sỹ - gọi tụi mình là các chú “ma-nhít” (Magni), đội trưởng Magnificat lúc bấy giờ là anh Nguyễn Trung Giáo. Ngày 2 tháng 7 năm 1962, Lễ Mẹ Thăm Viếng, Đội Magnificat được nâng lên thành đệ tử viện với giám đốc tiên khởi là anh Nguyễn An Trị. Như vậy, mình thuộc thành phần đệ tử sinh đầu tiên của Dòng Đồng Công, và hiện nay được đổi tên thành Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc. Nhưng chỉ một thời gian sau khi rời Đệ Tử Viện, mình lại được hân hạnh trở về với mái nhà xưa trong vai trò của một Phụ Trách. Có thể nói Đệ Tự Viện Đồng Công đã chiếm trọn tuổi trẻ và tuổi thanh xuân của mình. Một khung trời đầy kỷ niệm.

 

ĐỆ TỬ VIỆN VÀ TÔI

 

Kỷ niệm đầu tiên khi mới bước chân vào nhà Chúa là cú ngã xe đạp. Đây là những chuyện “bí mật” chưa bao giờ kể nhưng hôm nay mới kể. Anh chàng chở mình từ phòng khách nhà Dòng vào khu nhà đệ tử viện lại là anh mới tập đi xe đạp. Kết quả là cả người chở và người được chở đều lăn đùng ra khi xe mới lăn bánh được vài trăm thước. Chuyện này chỉ sau hơn 30 năm gặp nhau trên đất khách tức là lần gặp nhau tại Westminster, California khi anh em ngồi tâm sự mới vỡ lẽ. Cả hai cùng cười và tự an ủi: “Có lẽ vì vậy mà hai đứa mình đều không thọ trong dòng”. Nay thì người ở California, nước Mỹ, kẻ ở Melbourne, Úc Châu lâu lâu qua lại với nhau vài dòng email để ôn lại những ngày tháng cũ.

 

Nhưng có lẽ ít đàn em nào biết gì về những chuyện “đàn anh” như mình khi còn là một chú đệ tử sinh đã phá phách, nghịch ngợm như thế nào. Và tiếp sau đây cũng là những chuyện chưa bao giờ kể mà bây giờ mới kể:

 

Trong thời gian còn ở đệ tử viện, người mà bọn đệ tử sinh sợ nhất và cũng hay tìm cách qua mặt nhất là giám thị. Anh giám thị của bọn mình lúc đó là anh Đỗ Linh Sáng. Đây là vị giám thị có làn da ngăm ngăm đen khác với cái tên gọi “Linh Sáng”. Ngoài ra, anh có giọng cười, và cả nụ cười bảo đảm không có một ai trên hành tinh này có được và bắt chước được. Chúa ơi! Không thấy ai nghiêm khắc hơn ngài giám thị. Tìm được một nụ cười của ngài là chuyện rất khó. Nhưng “vỏ quít dầy, có móng tay nhọn”. Chưa bao giờ giám thị Sáng bắt được một đứa nào trong bọn mình ăn trộm vúa sữa. Ai cũng biết chung quanh đệ tử viện trồng nhiều cây vú sữa, tới mùa là bọn mình được phân công trèo lên cây hái trái. Hái ít, ăn nhiều, đây là dịp ngàn năm một thửa. Có câu: “Ăn vụng thì phải biết chùi mép.” Thế là ăn xong dấu vỏ ở những góc cành thì làm gì mà giám thị biết. Có chăng khi vỏ khô, gió thổi mạnh rơi xuống thì mới biết.

 

Tiếp theo là anh Trần Trung Thần, vị giám thị có biệt danh “điệp viên không không thấy” chuyên săn lùng những chú nhóc ma lanh, phá phách, nhưng cũng đã một lần bị bọn nhóc “chơi” cho một cú nhớ đời. Giờ này từ bên kia thế giới, họa may là anh mới biết đứa nào to gan dám dấu chiếc còi của anh. Anh cũng chưa bao giờ phá vỡ được một đảng mà chỉ nghe tên thôi đã đủ phải tống cổ tất cả đảng viên khỏi đệ tử viện rồi, đó là đảng Khoái Lạc.

 

Nói cho oai thôi, chứ đó chỉ là mấy nhóc bọn mình họp lại với nhau. Mỗi khi đến phiên đi giúp bàn, bới cơm là xin với anh Mô cho những miếng cơm cháy vạc, sau đó chuyền nhau mang về nhâm nhi. Cái gì chứ ăn vụng là ngon tuyệt. Ăn vụng cơm cháy, mà còn qua mặt giám thị thì càng ngon hơn. Nhưng sau một thời gian hoạt động, đảng ta tự ý rút lui khỏi chính trường vì sợ bị phát giác.  

 

Viết về thời còn là đệ tử sinh mà quên không viết về một mùa Giáng Sinh đầy kỷ niệm là một thiếu sót. Năm đó, đội Ba chơi trội, đắp tượng ba vua cỡi lạc đà bằng đất trộn rơm. Con lạc đà to như thật, nhưng khổ nỗi không ai bảo nó đứng dậy mà đi đến Belem được. Kết quả là cả lớp hì hục xuống ao kéo cổ nó lên, nhưng không may là lên đến nơi thì nó lại ngã lăn đùng ra rồi nằm vạ mà không đứng dậy nữa. Dẫu sao, nhờ tài hướng dẫn và chịu chơi của anh đội trưởng, đội Ba được giải nhất trong màn tổ chức và sinh hoạt Noel năm đó. Khi nhớ về các anh đội trưởng thời đó, người mà mình kính phục cũng chính là anh đội trưởng của mình, anh Phạm Xuân Thu. Sau này qua Hoa Kỳ, anh lãnh chức phó tế vĩnh viễn, và qua đời tại New Orleans, Louisiana, USA. 

 

Bí mật sau cùng của những năm đầu đệ tử viện, đó là nạn “rệp”. Ôi sao mà rệp nhiều đến thế. Tất cả những chiếc giường ngủ đều có rệp chui vào mọi ngóc ngách. Chính vì thế, mỗi tuần đều có ngày tổng phản công diệt rệp. Nhà bếp nấu những vạc nước nóng, còn phe ta thì ai nấy mang những thau, bình xuống xin nước nóng về “tế” rệp. Nước nóng dội đến đâu là rệp bò ra đến đó tha hồ mà giết, chém không thương tiếc!       

 

Rồi ngày tháng tuổi trẻ qua mau khi được gọi lên thỉnh viện chuẩn bị vào tập viện vào ngày 21 tháng 11 năm 1963. Tạm biệt bầu trời đệ tử viện. Theo đúng lịch sử Dòng, mình thuộc lớp Tập đầu tiên xuất thân từ đệ tử viện. 

 

Sau thời gian thỉnh sinh, tập sinh, và khấn, ngày 30 tháng 4 năm 1969 mình lại được bề trên gọi và bảo xuống lại phụ trách đệ tử viện. Và thế là tuổi xuân lại trở về chôn bám với khung trời kỷ niệm này cho đến ngày miền Nam sụp đổ, và theo đoàn thuyền ra Thái Bình Dương rồi được tàu hải quân Mỹ vớt. Đây là lần ra đi mà mãi mãi không bao giờ trở lại với khung trời dấu yêu này nữa.

 

Nhớ lại, sau hơn 20 năm xa cách, mình đã có dịp về thăm quê hương, ghé lại Dòng tại Thủ Đức và được anh Đích hướng dẫn đi thăm lại những kỷ niệm xưa: nhà Dòng Mẹ không còn nữa. Ký túc xá Đồng Công giờ trở thành ngôi trường trung học do nhà nước điều hành. Để tử viện với khu nhà phía dưới gồm nhà nguyện, nhà ăn, nhà bếp, các lớp học không còn nữa. Riêng khu nhà 30 gian bây giờ đã thành một bệnh viện tâm thần! Mình có ý muốn vào thăm, nhưng anh Đích nói rằng họ không cho phép. Thôi đành đứng ngoài nhìn vào, nhìn lên, nhìn xuống với đầy ắp những kỷ niệm của một thời đã qua mà lòng cảm thấy nao nao. Bất chợt, mình có cảm tưởng như Bà Huyện Thanh Quan xưa nhìn cảnh Thăng Long, mà lòng chợt xôn xao:

 

“Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ,

Cảnh đó, người đây luống đoạn trường!”

   

Ký ức ùa về làm kín khung trời kỷ niệm. Thầy đó, bạn đây, và cả những môn sinh đã một lần cho mình được cảm nghiệm cái hạnh phúc và vinh dự làm thầy, làm người anh tinh thần.

 

ĐỆ TỬ VIỆN CỦA CHÚNG MÌNH

 

Nhớ lại lúc tái xuất giang hồ, giám đốc đệ tử viện cũng vẫn là anh Nguyễn An Trị. Mình đang ngồi đây khơi lại những hình ảnh còn sót lại của vùng trời ký ức sau gần 50 năm xa cách về đệ tử viện thời mình khi còn là một chú bé, so với thời gian mình đã là một tu huynh.   

 

Thời gian giám đốc Trị:

 

Đệ tử viện lúc mình được cử xuống gồm có những khuôn mặt mà bây giờ vẫn còn nhớ. Làm sao quên được những người anh rất đáng mến, thánh thiện, và nhiệt tâm với tương lai của Dòng. Người đầu tiên mà mình nhớ đến là Lm. Đặng Ngọc Hưởng, linh hướng. Kỷ niệm nhất là mình được nằm cạnh bên giường của anh ở đầu nhà 30 gian. Sáng nào cũng vậy, khi nghe tiếng kẻng báo thức, bước chân xuống khỏi giường là đã thấy anh đang sấp mình dưới chân giường của anh cầu nguyện. Rồi đến anh Thế, trưởng ban tiếp tân. Không bao giờ quên được cảm tưởng khi anh tỏ ra “giận dữ” vì con chó cưng của anh nuôi luôn đi theo anh canh nhà, bị giám đốc ra lệnh giết để cả nhà đánh chén mà không hỏi qua anh. Rồi các anh Tốn trưởng ban kinh tài, anh Thiện, trưởng ban y tế, anh Xuyên, anh Nghiệp, anh Vương, anh Hà và anh Tín. Anh Phạm Thiên Vương, trưởng ban ẩm thực sau này cũng là Đạo Trưởng Đạo Châu Bình trong sinh hoạt hướng đạo của đệ tử viện. Anh đã qua đời tại North Carolina, US. Riêng anh Hà, trưởng ban ca nhạc, và cùng với anh Tín, một thần đồng âm nhạc. Anh Tín có thể hòa âm, ca hát, và sử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau từ Piano đến đàn cò (nhị), sáo, và rồi mandolin, đàn lục huyền cầm, đàn tranh… Anh Tín và anh Hà giờ này đang cùng dàn hợp xướng Đồng Công hát và đàn trong những dịp lễ lớn trên thiên quốc.  

 

Kỷ niệm Hướng Đạo lại về với các trưởng Hoan, Chương, Tri, Sinh, Đích, Chu, Thuần, Thừa, Thư, Khôi, Hiến, Mạnh và mình. Nếu còn quên sót ai thì xin niệm tình tha thứ vì ở tuổi này thời gian đã bào mòn trí khôn khá nhiều. Đặc biệt, xin tưởng nhớ đến các anh  Vương, Hoan, Chương, Tri, Chu, những người anh đã ra đi trước chúng ta, và nay đang nghỉ giấc bình an. Xin Chúa đón nhận các anh vào Liên Đoàn Đồng Công trên thiên quốc. Còn lại các trưởng Sinh, Thuần, Thư, Thảo, Thừa, Đích, Khôi, Duyệt thì cũng thuộc hàng “thất thập cổ lai hi”, và đang chờ thánh Phêrô xếp chuyến bay. Thêm vào đó là các anh phụ trách như anh Truyền, Niệm, Ngân, Kim, Nghi, Nghiệp, Thiều, Lãm. Đặc biệt là anh Hiệp với cái mũi luôn đỏ ỏn như trái cà chua chín. Anh là người giỏi văn chương và kể truyện rất có duyên. Nhưng đặc biệt hơn cả là anh Nguyễn Quang Đán hiện tại đang làm Tổng Phục Vụ của Dòng. Chúng em rất hãnh diện về anh...   

 

Sinh hoạt đệ tử viện nhiều, nhiều lắm, mình chỉ ghi lại một vài biến cố đặc biệt mà ai cũng biết, và biết là phải cười, phải nhớ: 

 

Thời gian Giám Đốc Tuấn:

 

Sau một thời gian sinh hoạt, giám đốc đệ tử viện được thay thế bằng anh Bùi Anh Tuấn, bọn trẻ gọi anh bằng “nick name” là Tuấn cò. Lý do vì anh cao lêu khêu. Kỷ niệm nhất của 3 năm làm giám đốc của anh gọi là thời gian “thắt lưng buộc bụng”. Tiết kiệm tối đa, ăn uống thanh đạm trong đó có một món mà bảo đảm không nhà hàng sang trọng nào có trong thực đơn, đó là món “Bò năm sao”.

 

Bò năm sao nhưng không thuộc vào làng bò 7 món. Nó được chế biến từ ruột bò và khế. Ruột bò thì order từ chợ Thủ Đức, còn năm sao là do những trái khế được cắt ra. “Chanh chua thì khế cũng chua. Chanh bán có mùa khế bán quanh năm”. Cây khế cạnh nhà bếp của anh Mô lại xum xuê trổ sinh hoa trái bốn mùa nên tha hồ mà hái. Không hiểu các đầu bếp Thăng, Vương, và Nghiệp học đâu ra cách chế biến món ăn đặc biệt này, nhưng mỗi lần dọn lên nhìn mấy miếng ruột bò tròn tròn sắn lại với mỡ bò vây lấy miếng khế là hết hồn rồi. Ấy thế mà: “Của không ngon, nhà nhiều con cũng hết”.

 

Cám ơn giám đốc Tuấn, nhờ anh mà mãi tới giờ món bò năm sao vẫn không ra khỏi ký ức của một thời dưới khung trời đệ tử. Giờ đây thì chắc anh đang nắm trong tay tấm huy chương vàng với món bò năm sao trên thiên đình. Chúng em cũng mê tiếng đàn organ và accordion của anh rất nhiều. Hoan hô giám đốc Bùi Anh Tuấn.    

 

Rồi sau 3 năm kinh tế thắt lưng buộc bụng gặt hái thành quả vượt mức, anh Tuấn được triệu về trường triết học, nhường ngôi giám đốc lại cho anh Trị. Và anh Trị tiếp tục làm giám đốc cho đến ngày đệ tử viện tan hàng vào cuối tháng Tư năm 1975 vì miền Nam Việt Nam lọt vào tay Cộng Sản.

 

Thời gian giám đốc Trị trở lại:

 

Những năm sau đó của giám đốc Trị kể được là những năm huy hoàng của đệ tử viện: Đệ tự viện có ngôi nhà 30 gian làm nơi ngủ nghỉ cho các đệ tử sinh, chương trình học được cải tiến đến lớp 9, và tổ chức sinh họat Hướng Đạo được khởi xướng với lớp huấn luyện các trưởng ngày 10 tháng 11 năm 1969 tại rừng cao xu cạnh nhà Dòng. Sau đó thành lập Kha Đoàn, Thiếu Đoàn trực thuộc Đạo Thủ Đô, sau đó tách rời thành Đạo Thủ Đức.

 

Chuyện thâm cung bí sử của thời kỳ hậu đệ tử thời giám đốc Trị trở lại là chuyện cơm gà siu siu và bê 7 món thần tốc.

 

Ăn cơm cá, rau, và bò năm sao mãi cũng chán, nên hôm nọ Chúa ban cho đệ tử viện một bữa cơm gà siu siu rất thịnh soạn. Số là khu nhà học năm xưa nay đã biến thành trại gà để tăng thêm kinh tế cho đệ tử viện. Trại gà đang trên đà phát triển thì bỗng một hôm lửa từ trời xuống thiêu rụi. Báo hại tất cả gà lớn, gà nhỏ, gà cha, gà mẹ, gà con đều không qua khỏi tay thần lửa. Con cháy rụi, con cháy một phần, chết cong keo, chết không lời tạ từ. Sẵn gà chiên giang dở, nhà bếp chỉ cần gia vị hành tỏi, đệ tử sinh hôm đó và vài ngày sau có những bữa cơm gà ngon tuyệt.

 

Cơm với bò năm sao, với gà siu siu là chuyện nhỏ. Hôm nay, trời lại ban cho đệ tử viện một món ăn khác tuyệt vời không kém, đó là món bê 7 món thần tốc.

 

Số là đệ tử viện có mua được một con bê để làm giống. Hy vọng sẽ có sữa tươi cho cả nhà sau này, nào ngờ ve đâu xuất hiện bám đầy con bê như sung. Ve nó hút hết máu như vậy thì lớn làm sao mà có sữa. Thấy vậy, anh Thăng (cũng lại anh Thăng), được ơn soi sáng lấy DDT là thuốc sát trùng hòa đặc xoa đầy trên con vật hy vọng cho ve chết. Ve chết đâu không biết, nhưng con bê thấy lông ướt cứ thế mà liếm. Liếm một hồi thuốc sát trùng ngấm vào và nó lăn đùng ra từ giã cõi đời. Bê chết thì ta đánh chén! Vậy là cả đệ tử viện lại được một bữa bê bảy món. Nhưng! Cái nhưng quái ác là đây:

 

Vì con bê liếm nhiều chất độc DDT nên người ăn nó cũng phần nào ảnh hưởng. Thế là từ giám đốc, giám thị, giám học, và anh phụ trách, toàn thể lớn nhỏ thi nhau ôm bụng đứng chờ ngoài dẫy nhà vệ sinh. Nhìn các đệ tử sinh nhăn nhó, nhốn nháng chờ đến phiên đã thấy thảm, mà thảm hơn là nhìn anh giám đốc cũng ôm bụng đứng dựa một góc nhà vệ sinh mà thấy sầu, thấy thảm! Cả nhà nhớ đời và đặt cho món ăn đó là món bê 7 món thần tốc, vì thần tốc ăn, thần tốc đau bụng, và thần tốc tìm nhà vệ sinh. Nhưng may quá, không một ai phải thần tốc đưa vào nhà thương….             

 

NHỮNG NGÀY CŨ NAY CÒN ĐÂU

 

Kẻ ở, người đi, còn lại mình nay đã già. Những người anh, những bậc thầy, những môn sinh không biết giờ đây phiêu bạt nơi nào. Ai còn, ai mất. Những hình ảnh thân thương của những người anh, như anh Hưởng, Hà, Xuyên, Thế, Thần, Trị, Tốn, Hoan, Truyền, Chương, Từ, Chu, Vương, Thăng, Tín, và những bậc thầy như anh Minh, Đồng Tiến, Giản, Đệ, Sùng, Trọng, Vĩnh, Vinh… Trong đó có cả những người em, người môn sinh nay cũng đã bỏ ra đi như Lm. Duệ, Lm.Thiện, Lm. Dương, Lm. Tiệp và Chung. Đối với những người đã ra đi trước, “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, xin cho các linh hồn được lên chốn nghỉ ngơi”. Nghỉ ngơi đi nha các anh. Chúng em còn đang trong vũng lệ sầu này và chờ ngày đoàn tụ.

 

Cũng xin một lời cảm ơn những ai mà mình đã một lần gặp gỡ dưới mái nhà đệ tử viện. Chúng ta hãy sống vui, sống đẹp và nếu có giờ và hoàn cảnh, hãy xích lại với nhau cùng nhau nối lại mối tình xưa.

    

Để đóng lại những dòng ký ức trên, mình mời tất cả hãy nghe Hương Lan nức nở qua nhạc phẩm Trường Cũ Tình Xưa của Duy Khánh. Nó cũng phản ảnh chính cảm nghĩ của mình khi đứng trước cổng vào đệ tử viện:

 

Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ
Nhiều nét đổ thay tường mái rêu mờ
Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa


May ra có còn đôi đứa
Vẫn yên vui sống đời học trò..

Bâng khuâng đợi chờ người sao chẳng đến?
Hỏi lá hỏi hoa chỉ thấy im lìm


Cây dương đầu trường còn khắc hàng tên
Hoa leo phũ phàng đan kín
Tiếng ve ru nghe gợi buồn thêm ..
 
Bạn cũ xa rồi, có người về đất buông xuôi

Năm ba đứa bạt phương trời
Hai thằng chờ đầu quân năm tới.
 
Ve ơi, hát gì điệu nhạc lâm ly
Khóc người biền biệt sơn khê
Cố nhân đi bao giờ mới về..
 

Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới
Thầy đó trường đây bạn cũ đâu rồi
Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ
Vang trong nỗi niềm nhung nhớ
Có ai đi thương về trường xưa…